30 việc cha mẹ nên làm cùng con

0
39

Trở thành mẹ, tôi loay hoay tìm cho mình một cách dạy con đúng đắn. Có lúc nghĩ mình sẽ dạy con theo kiểu “truyền thống”, tức là bao bọc và nghiêm khắc; có lúc lại thấy cần dạy con theo kiểu “hiện đại”, tức là cởi mở và khoan dung.

Nhưng xem ra, việc áp dụng chỉ một trong 2 cách này dường như không ổn, vì trẻ bây giờ được sống trong môi trường văn minh hiện đại, cùng một vấn đề nhưng lại có nhận thức sâu sắc hơn cha mẹ cùng tuổi ngày xưa.

Vậy, làm thế nào để có một cách dạy con đúng đắn nhất đây? Tôi đã tìm được câu trả lời sau khi đọc xong cuốn sách 30 việc cha mẹ nên làm cùng con – cẩm nang dạy con hữu ích của tác giả Vương Gia Vân.

Cuốn sách mở đầu bằng Việc thứ 01 – kể chuyện cho con. Có thể, giữa bộn bề những lo toan của cuộc sống, bạn chưa từng nghĩ đến điều này hoặc nếu có thực hiện thì cũng là “buổi được buổi không”. Nhưng bạn có biết rằng, dành 10 phút kể chuyện trước khi đi ngủ cho bé, đều đặn hàng ngày, là bạn đã góp phần vào việc xây dựng thế giới quan và nhân sinh quan đúng đắn cho bé. Mỗi câu chuyện đều mang một ý nghĩa giáo dục nhất định; những câu chuyện kể về cái xấu, cái ác sẽ răn dạy trẻ biết sai là sửa, không rơi vào con đường phạm pháp; những câu chuyện kể về nhân vật anh hùng sẽ bồi dưỡng trẻ lòng can đảm, tinh thần trách nhiệm và trở thành người có ích cho xã hội… Việc thứ 01 này cũng đưa ra cho bạn phương pháp kể chuyện tốt nhất, nhằm đạt hiệu quả giáo dục cao nhất.


Hướng dẫn con làm bài tập là một việc không thể thiếu của cha mẹ, nhưng học tập liệu có đồng nghĩ với việc “làm bài tập” như cha mẹ từng quan niệm. Thực ra, học tập là một việc rất vui vẻ, nhưng để trẻ yêu thích học tập thì bạn cần bồi dưỡng hứng thú đọc sách cho trẻ, hoặc là cho trẻ trải nghiệm kiến thức trong sách vở bằng các buổi dã ngoại thực tế… Có thể, sau khi đọc xong Việc thứ 02 này, dưới sự chỉ bảo tận tình của cha mẹ, bé của bạn biết đâu lại trở trành thiên tài trong tương lai!

Bạn và bé đã bao lâu rồi chưa đi chơi cùng nhau? Lần nói chuyện gần đây nhất với bé là vào lúc nào? Ở lớp, bé chơi thân với ai nhất? Thầy cô giáo mà bé yêu quý nhất là ai? Bạn có biết bé được sống trong sự chia sẻ, sẽ có tính cách khảng khái; sống trong sự công bằng, sẽ biết đến chính nghĩa; sống trong sự thành thật, sẽ hiểu thế nào là chân lí?

Nếu chưa trả lời được những điều đó, mời bạn hãy tiếp tục đọc 28 việc cần làm tiếp theo nhé! 28 việc tiếp theo bao gồm những việc tưởng như vô cùng nhỏ bé, nhưng thực chất lại đặt nền móng cho việc xây dựng những tính cách tốt đẹp của bé sau này; chẳng hạn nhờ trẻ làm việc nhà là bạn đã giúp trẻ hình thành thói quen yêu lao động, cùng trẻ lên mạng là mở ra cho trẻ một kho kiến thức vô cùng quý giá, tự giải quyết những khó khăn là dạy trẻ tính độc lập và tinh thần trách nhiệm, học cách cảm ơn, học cách yêu thương là bồi đắp cho trẻ lòng đồng cảm trước những khó khăn, bất hạnh của người khác; tiếp đó là những việc khó hơn như dạy trẻ tính cách bình tĩnh, điềm đạm khi gặp sự cố, dạy trẻ quản lý tiền tiêu vặt, dạy trẻ cách sáng tạo những đồ dùng trong cuộc sống hàng ngày… Mỗi việc làm đều có những những chỉ dạy cụ thể, những phương pháp vô cùng thiết thực và bổ ích.

/data/article/mainimages/saveimages/img62557EBEUB-is09966ua-eb947.jpg


Như vậy, cuốn sách đã cung cấp cho bạn những kiến thức cơ bản trong nuôi dạy trẻ, việc vận dụng khéo léo giữa các ví dụ sinh động và sự phân tích chuẩn xác đã mang lại cho bạn một cách nhìn mới mẻ trong việc nắm bắt tâm lí con. Một ví dụ cho bé ăn (trong việc thứ 18) đã cho bạn thấy rõ điều đó: Cha mẹ xưa nay đều ép con ăn, trẻ ăn thì há miệng, không ăn thì lắc đầu, có lúc cha mẹ phải chạy theo nài nỉ hoặc đưa ra những điều kiện hấp dẫn để dụ dỗ; chẳng hạn như con ăn hết bát này mẹ sẽ mua cho con đồ chơi, uống hết cốc sữa này thì cuối tuần mẹ sẽ cho đi công viên…

Nhưng cuốn sách lại khuyên bạn rằng ăn cơm là việc của trẻ, trẻ ăn cơm không phải là việc của người khác mà là việc của bản thân mình; trẻ 1 tuổi đã có thể tự xúc cơm, mặc dù lóng ngóng chân tay, làm đổ vãi khắp nơi những mỗi lần xúc được 1 thìa vào miệng thì cha mẹ cần cổ vũ, khen ngợi; hoặc trẻ lớn hơn một chút, cần quy định thời gian ăn, hết bữa, thậm chí là chưa no cha mẹ đã có thể dọn bàn đi rồi, như vậy lần sau trẻ sẽ không dám lề mề nữa. Tôi cho rằng, đây là một cách xử lí rất hay mà không phải cha mẹ nào cũng biết và thực hiện được.

Người viết bài này luôn quan niệm rằng, trẻ như mầm non mới nhú, để mầm non lớn lên một cách khỏe mạnh thì người trồng cây phải tưới tắm, bắt sâu, chữa bệnh; để trẻ phát triển một cách hoàn thiện thì cha mẹ phải có phương pháp giáo dục trẻ hợp lí từ khi chúng còn nhỏ. Giai đoạn hình thành nhân cách cuộc đời trẻ rất ngắn ngủi (một số nhà nghiên cứu cho rằng chỉ khoảng 1- 6 tuổi), vì vậy, nếu những việc cần làm bây giờ mà bạn không làm, sau này có thể bạn sẽ cảm thấy hối tiếc.

Mẹ Thu Giang

30 việc cha mẹ nên làm cùng con