Nhà bác học Albert Einstein cho rằng: “Điều quan trọng là không bao giờ ngừng đặt câu hỏi”. Vì bản chất của con người là luôn tò mò và luôn cố gắng tìm kiếm câu trả lời ngay từ khi còn thơ ấu. Thói quen đặt câu hỏi có tầm quan trọng và cần thiết hơn bạn nghĩ trong các lĩnh vực chuyên môn khác nhau, cụ thể là 4 điều sau đây.
Đặt câu hỏi một cách thông minh để có câu trả lời tốt hơn
Bạn đã từng trải qua tình huống này: vội vàng trả lời câu hỏi phỏng vấn khi tìm công việc tiếng Nhật, tiếng Anh… rồi sau đó nhận ra nếu ngay từ đầu bạn chịu khó đặt câu hỏi và lắng nghe, bạn đã có thể đưa ra câu trả lời tốt hơn nhiều.
Trên thực tế, câu trả lời không nằm trong giải pháp, vì chẳng giải pháp nào có sẵn cả – nó nằm trong các câu hỏi. Đặt câu hỏi một cách thông minh giúp xác định rõ vấn đề và mở ra tầm nhìn rõ ràng về các vấn đề liên quan. Khi đó, sẽ dễ dàng hơn khi xem xét nhiều tình huống để đưa ra kết luận tốt nhất.
Câu hỏi mở đầu lý tưởng cho bất kỳ dự án mới nào là: “Bạn nghĩ vấn đề là gì?”. Đằng sau việc đặt câu hỏi hiệu quả là khả năng lắng nghe câu trả lời và đừng quá vội vàng phán đoán. Hãy bỏ qua định kiến cá nhân, đặt câu hỏi để tìm hiểu nguyên nhân gốc rễ của mọi vấn đề, và bạn sẽ phát triển được kỹ năng giải quyết vấn đề tuyệt đỉnh. Rõ ràng đặt câu hỏi một cách thông minh là cách giúp bạn giải quyết vấn đề nhanh nhất, và có thể bạn sẽ có được những thu hoạch ngoài sức tưởng tượng.
Đặt câu hỏi ngẫu nhiên giúp phát hiện ra những điều mới
“Thinking out of the box” (nghĩ xa hơn) khi đặt câu hỏi, đó là đặt những câu hỏi theo kiểu ngẫu hứng, ngẫu nhiên không theo những khuôn khổ có sẵn. Đôi khi cách đặt câu hỏi như vậy trong công việc sẽ cho bạn thu được những kết quả bất ngờ. Vì thời điểm một câu hỏi xuất hiện, não của chúng ta sẽ bắt đầu hoạt động ngay lập tức. Ví dụ, trong các buổi phỏng vấn, các nhà tuyển dụng thường sẽ hỏi ứng viên những câu hỏi rất ngẫu nhiên, ngẫu hứng để thử thách khả năng tư duy nhanh của họ. Và thành quả có thể họ sẽ “thu nhặt” được những ứng viên xuất sắc với câu trả lời thông minh, nhạy bén, sáng tạo.
Thói quen đặt câu hỏi sẽ giúp bạn dần phát triển khả năng thích ứng nhanh, phán đoán nhanh, giúp bạn nhìn nhận được mọi góc cạnh của vấn đề và có tầm nhìn xa hơn “bên ngoài chiếc hộp”. Không có câu trả lời nào là chính xác nhất, không có giải pháp nào là duy nhất, vậy nên luôn đặt câu hỏi, kể cả là câu hỏi ngẫu nhiên, ngẫu hứng cũng là cách thử thách bản thân và mở rộng vùng an toàn của mình.
Đặt câu hỏi mở, giúp khởi nguồn ý tưởng
Hãy thử nghĩ mà xem, nếu những nhà bác học không tò mò và đặt câu hỏi về các hiện tượng, hay không trăn trở để tạo ra những sáng chế mới, thì thế giới chúng ta đang sống sẽ như thế nào? Khả năng sáng tạo của con người là vô hạn, nhưng khả năng tận dụng được sức sáng tạo của bản thân thì không phải ai cũng có thể thực hiện được. Động não, luôn tư duy để tìm câu hỏi “như thế nào”, những câu hỏi mở thay vì những câu hỏi đóng gói gọn bởi câu trả lời có/không sẽ giúp bạn dễ dàng đẩy lùi những thành kiến về nhận thức trong quá khứ và dấn thân vào những “lãnh thổ” kiến thức chưa được khám phá một cách nhanh nhất. Khi đó thành quả không ngờ có thể chính là những phát minh mới, những ý tưởng sáng tạo có tính đột phá sẽ xuất hiện.
Đặt câu hỏi giúp phát triển tư duy phản biện
Khi ai đó chia sẻ ý tưởng với chúng ta, bản năng đầu tiên của chúng ta là gì? Chúng ta có đồng thuận với nó không? Chúng ta có hỏi họ tại sao họ nghĩ như vậy? Chúng ta có thể bác bỏ nó không? Nếu không có kỹ năng tư duy phản biện, chúng ta có nguy cơ bị thao túng, lừa dối, hoặc dẫn đến những kết luận mà người khác muốn chúng ta có được. Vì thế, chúng ta cần có kỹ năng tư duy phản biện mạnh mẽ để có thể khẳng định niềm tin của chính mình và đưa ra kết luận của riêng mình. Và một thao tác đơn giản để cải thiện tư duy phản biện chính là đặt câu hỏi phản biện ở mọi khía cạnh của vấn đề. Hãy luôn lật đi lật lại mọi mặt của vấn đề, đặt sự nghi vấn cho mọi yếu tố trong một dự án. Càng đặt câu hỏi, bạn sẽ nhận thấy nhiều vấn đề xuất hiện hơn, điều mà chắc chắn chúng ta không thể biết được nếu cứ răm rắp đi theo một hướng từ đầu.
Ngân Linh