“Nhảy” việc liên tục, làm gì để ghi điểm với nhà tuyển dụng?

0
78

Ứng viên có lịch sử “nhảy” việc liên tục thường khiến nhà tuyển dụng e ngại. Do đó, khi phỏng vấn bạn cần khéo léo chia sẻ về lí do nghỉ việc trước đây sao cho thật thuyết phục. Nói cách khác, bạn cần khiến họ biết bạn “nhảy” việc theo hướng tích cực.

Một số cách sau đây từ các chuyên gia nhân sự CareerLink sẽ giúp bạn.

Muốn năng lực và giá trị bản thân được ghi nhận

Khi bạn đã cố gắng làm việc nhưng vẫn không nhận được sự đánh giá cao từ công ty thì bạn vẫn có thể nghỉ việc. Chẳng hạn bạn không được tăng lương, bạn cảm thấy công ty không có những chế độ phúc lợi hợp lí hoặc ý kiến của bạn không được tôn trọng… Tuy nhiên, trong quá trình phỏng vấn, bạn không nên thẳng thắn tiết lộ điều này. Nó chỉ làm cho nhà tuyển dụng đánh giá rằng bạn là người thụ động, không biết cách khẳng định giá trị bản thân.

Để tạo thiện cảm, bạn có thể trình bày như sau “Tôi đã quyết định nghỉ việc để ứng tuyển vào đây với mong muốn được ghi nhận đúng giá trị bản thân. Tôi biết quý công ty chúng ta rất công bằng và có lộ trình đánh giá năng lực nhân viên rất khách quan, cụ thể”.

Muốn thử thách bản thân

Khi bạn đã nỗ lực làm việc, tích lũy khá nhiều kĩ năng và kinh nghiệm, bạn nhận thấy bản thân đủ năng lực để đảm đương vị trí cao hơn hoặc làm những công việc khó hơn. Tuy nhiên công việc hiện tại quá nhàm chán, khiến bạn “dậm chân tại chỗ” và không có cơ hội thăng tiến.

Nếu điều này khiến bạn “nhảy” việc liên tục, bạn nên khéo léo bày tỏ quan điểm thay vì thẳng thừng bộc lộ ý muốn thăng chức. Bởi vì khi chỉ mới ở vòng phỏng vấn, bạn không nên tiết lộ “mục tiêu” được thăng chức. Điều này là không hợp lí vì nhà tuyển dụng cho rằng quá sớm để bạn đặt tham vọng khi chưa thể hiện được thành tích cụ thể.

Thay vào đó bạn nên trả lời theo hướng “Tôi không muốn để bản thân bị giới hạn ở vùng an toàn. Tôi muốn thử thách bản thân ở một vị trí mới thú vị hơn. Tôi có lòng tin mình sẽ làm tốt”.

Bất đồng ý kiến với cấp trên

Bạn không đồng thuận với cách làm việc (hay cách quản lí) của cấp trên cũ. Dù hai bên có mâu thuẫn hay xung đột thì tốt nhất bạn không nên đề cập trong cuộc phỏng vấn. Việc nêu lên mâu thuẫn với cấp trên dù đúng hay sai bạn vẫn bị nhà tuyển dụng đánh giá tiêu cực về khả năng hòa nhập trong môi trường làm việc.

Tốt nhất bạn nên khéo léo chia sẻ ở mức nhẹ nhàng nhất có thể. Chẳng hạn “Sếp cũ của tôi là người rất giỏi, anh ấy rất quan tâm đến đời sống nhân viên. Tuy nhiên cách làm việc của anh ấy và tôi có sự khác nhau. Và tôi nhận thấy một vài điểm bất cập”.

Mô tả công việc không đúng với thực tế

Làm không đúng với công việc được tuyển dụng là tình trạng phổ biến trong môi trường làm việc hiện nay. Nhiều người chấp nhận điều này vì nghĩ rằng bản thân khó xin được việc lí tưởng khác hoặc ngại thay đổi. Trong khi đó nhiều người sẽ nghỉ việc và tiếp tục tìm kiếm công việc mới đúng chuyên môn.

Nếu bạn rơi vào trường hợp số 2 thì cách tốt nhất là chia sẻ chân thành với nhà tuyển dụng. Chẳng hạn, “Tôi kì vọng sẽ làm được công việc đúng chuyên môn nhưng sau đó công ty lại thiếu vị trí X nên tôi phải đảm nhận. Tuy nhiên công việc đó lại không phải đúng với chuyên môn của tôi. Tôi quyết định nghỉ việc để tìm một vị trí khác đúng với chuyên môn”.

Công ty hoặc bản thân thay đổi địa chỉ

Nếu công ty cũ thay đổi địa điểm hoặc bạn thay đổi chỗ ở thì cũng cần chia sẻ lí do này trong câu hỏi tại sao bạn “nhảy” việc liên tục.

Đây là điều hoàn toàn hợp lý. Vì nếu khoảng cách giữa nơi ở và làm việc quá xa, thì hành trình đi làm mỗi ngày sẽ khiến bạn mệt mỏi và mất nhiều thời gian. Nếu kéo dài, bạn sẽ sớm bị kiệt sức.

Cách trả lời tốt nhất sẽ là “Công ty (hoặc tôi) đã chuyển chỗ ở sang nơi mới nên việc đi lại khó khăn và tôi mất khá nhiều thời gian cho lịch trình đi lại. Tôi quyết định nghỉ công việc cũ đó”.

“Nhảy” việc liên tục là điều không ai muốn, nhưng không phải lúc nào công việc cũng suôn sẻ và như ý để bạn gắn bó lâu dài. Khi phỏng vấn, hãy đưa ra những câu trả lời thông minh và tích cực, đồng thời tranh đổ lỗi cho người khác. Đó chính là biểu hiện của ứng viên tinh tế và chuyên nghiệp.

Đặng Hảo