5 cách thể hiện tinh thần trách nhiệm khi phỏng vấn

0
202

Tinh thần trách nhiệm luôn nằm trong số những tiêu chí được đánh giá cao nhất trong tuyển dụng. Là một người trách nhiệm và đáng tin cậy đồng nghĩa rằng bạn có thể quản lý thời gian hiệu quả, tuân thủ giờ giấc, đảm bảo chất lượng và thời hạn công việc… Đó là những điều tối thiểu mọi nhà tuyển dụng việc làm uy tín tìm kiếm ở một ứng viên tiềm năng.

Làm cách nào để thể hiện tinh thần trách nhiệm trong buổi phỏng vấn xin việc? Sau đây là 5 lời khuyên dành cho bạn.

Đúng giờ

Coi trọng giờ giấc là yếu tố hàng đầu để đánh giá tinh thần trách nhiệm và tác phong nghiêm chỉnh của một ứng viên. Ngay cả khi bạn chưa bước chân vào phòng phỏng vấn, nhà tuyển dụng đã bắt đầu chấm điểm bạn. Hãy đến buổi phỏng vấn đúng giờ, hoặc tốt nhất là sớm 5 – 10 phút để có thời gian chuẩn bị và chào hỏi mọi người. Dự trù trước cho giao thông và những sự cố có thể xảy ra trên đường tới nơi phỏng vấn để không phí phạm thời gian.

Đến đúng giờ không chỉ giúp bạn tạo ấn tượng đầu tốt đẹp, mà người phỏng vấn cũng sẽ có niềm tin rằng bạn sẽ tôn trọng giờ làm việc nếu bạn may mắn được tuyển dụng.

Nghiên cứu trước về công ty và vị trí ứng tuyển

Chắc chắn người phỏng vấn sẽ hỏi bạn những kiến thức bạn đã nắm được về công ty và vị trí ứng tuyển. Việc nghiên cứu trước về công ty thể hiện rằng bạn thực sự nghiêm túc với công việc này và đã hiểu phần nào về những trách nhiệm sẽ đảm nhận. Một ứng viên mù tịt về công ty mình đang phỏng vấn chắc chắn sẽ không tạo được ấn tượng tốt đẹp với nhà tuyển dụng.

Tìm hiểu trước về nơi có thể sẽ gắn bó với bạn còn thể hiện tinh thần trách nhiệm với chính bản thân mình: bạn biết bản thân mình đang đi đâu. Nhà tuyển dụng thường đánh giá cao những ứng viên có mục tiêu rõ ràng như vậy.

Chuẩn bị trước cho các câu hỏi tình huống

Các câu hỏi tình huống là cách kiểm tra tinh thần trách nhiệm phổ biến khi phỏng vấn. Vì vậy, bạn nên dành thời gian chuẩn bị trước câu trả lời về trách nhiệm mà bạn đã đảm nhận trong quá khứ và cách trình bày chúng thật rõ ràng, ngắn gọn. Những câu hỏi này có thể xoay quanh:

  • Kỹ năng/ kinh nghiệm lãnh đạo nhóm;
  • Minh chứng cho thấy mọi người có thể tin tưởng, dựa vào bạn;
  • Cách bạn khắc phục một sai sót trong công việc cũ;
  • Bạn làm việc tốt hơn khi bị giám sát hay có thể chủ động làm việc.

Câu trả lời không nên dài dòng, nhưng cần làm nổi bật được trách nhiệm của bạn và đưa ra được những minh chứng cụ thể để tăng tính thuyết phục.

Có kỳ vọng gắn bó lâu dài với công ty

Tuyển dụng là một quá trình tốn kém thời gian và công sức nên các nhà tuyển dụng đều muốn đảm bảo rằng ứng viên có mong muốn gắn bó lâu dài với công ty. Để tìm hiểu điều này, họ có thể hỏi bạn những câu hỏi chẳng hạn như “Định hướng lâu dài của bạn là gì?”, “Bạn hãy chia sẻ kế hoạch trong 2 năm tới”, hoặc hỏi thẳng bạn dự định đồng hành cùng công ty bao lâu (thường đối với các bạn thực tập sinh hoặc nhân viên mới ra trường).

Hãy chắc chắn rằng bạn đã cân nhắc về vấn đề này trước buổi phỏng vấn để có thể kết nối mục tiêu của cả 2 bên, và thể hiện mình là một ứng viên sẵn sàng gắn bó với công việc này bằng tất cả trách nhiệm của bản thân.

Chăm chút lại mạng xã hội cá nhân

Hãy kiểm tra các tài khoản mạng xã hội của bạn! Nhiều nhà tuyển dụng có thể kiểm tra hồ sơ ứng viên và đánh giá họ thông qua hình ảnh và nội dung trên Facebook cá nhân. Dù trước hay sau buổi phỏng vấn, điều này cũng phần nào ảnh hưởng tới quyết định của họ về việc có nên lựa chọn bạn hay không. Hãy xóa các bài đăng và hình ảnh không phù hợp, hoặc thay đổi cài đặt quyền riêng tư của bạn để các nhà tuyển dụng tiềm năng không thể nhìn thấy chúng.

Cuối cùng, nói lời phải giữ lấy lời. Những gì bạn thể hiện trong buổi phỏng vấn cần phải được duy trì và phát huy khi bạn chính thức đi làm. Nhà tuyển dụng hoàn toàn có quyền cho bạn thôi việc nếu họ nhận ra bạn không có tinh thần trách nhiệm như bạn đã nói trước đó!

Hà Phương