4 kỹ năng giúp bạn làm việc tốt hơn với đồng nghiệp

0
82

Mỗi ngày, thời gian bạn tiếp xúc và làm việc với đồng nghiệp khá nhiều. Nếu bạn không mong muốn được làm việc với một đồng nghiệp cụ thể nào đó, hãy đoán xem điều gì sẽ xảy ra? Sự nhiệt tình của bạn sẽ suy giảm, tinh thần trở nên tiêu cực và cuối cùng chất lượng công việc sẽ không cao. Để hợp tác với đồng nghiệp tốt hơn, bạn cần ứng dụng tốt 4 kỹ năng sau đây.

Tìm kiếm thông tin việc làm uy tín tại careerlink.vn

Kỹ năng lắng nghe

Tại sao kỹ năng lắng nghe được nhắc đến đầu tiên? Bởi lắng nghe là một kỹ năng quan trọng trong giao tiếp. Hãy nhớ lại những cuộc tranh luận tốn không ít thời gian khi bạn cố gắng bác bỏ ý kiến của đồng nghiệp. Giây phút đó liệu bạn đã hiểu đủ, hiểu đúng điều đồng nghiệp muốn diễn đạt hay bạn chỉ phản bác khi nghe thoáng qua vài từ khóa trong câu chuyện. Mỗi người đều có tư duy, lý luận logic riêng. Lắng nghe là cách duy nhất để hiểu được suy nghĩ của những đồng nghiệp cùng chung chiến tuyến. Tuy nhiên, thực tế chỉ một số ít người nhận thức và rèn luyện kỹ năng này với tâm thế “lắng nghe chủ động”. Thông thường, chúng ta chỉ nghe những âm thanh đang hiện hữu và không có bất kỳ một nỗ lực ghi nhớ nào nếu đó không phải vấn đề bạn quan tâm. Thói quen nghe một cách bản năng này khiến bạn khó khăn khi muốn nhớ lại thông tin trong một cuộc hội thoại nào đó.

Rèn luyện kỹ năng lắng nghe chủ động sẽ khiến bạn ghi nhớ thông tin nhanh và chính xác. Khi đó, bạn cũng sẽ hiểu được nội dung, trình tự logic do đồng nghiệp chia sẻ. Sự hiểu lầm được hạn chế tối đa. Đặc biệt, bạn sẽ tiết kiệm được khá nhiều thời gian tranh luận trong công việc.

Kỹ năng đặt câu hỏi

Không phải ngẫu nhiên mà kỹ năng đặt câu hỏi được đề cao trong giao tiếp. Trưởng phòng Nhân sự CareerLink chia sẻ, nếu hỏi đúng trọng tâm, bạn sẽ nhận được nhiều lợi ích như mở rộng hơn vốn hiểu biết, xoa dịu các mâu thuẫn trong cuộc tranh luận, thấu hiểu vấn đề, đưa cuộc hội thoại về cùng một hướng, đồng thời thể hiện được sự nhạy bén của bản thân, khơi dậy tư duy của mọi người… Tuy nhiên, nhiều người ngại đặt câu hỏi do tự tin sẽ tìm được câu trả lời, sợ làm phiền người khác, sợ bị chê bai hay đơn giản là không có gì để hỏi… Nếu những lý do này đã từng xuất hiện trong đầu bạn thì hãy thật cảnh giác, bạn đang tự thui chột kỹ năng đặt câu hỏi của chính mình.

Sự hiểu biết là vô tận, bạn chỉ nên xấu hổ khi bản thân “giấu dốt” và không dám hỏi. Trường hợp bạn chưa tìm ra câu hỏi thì đơn giản do bạn chưa tập trung và tìm hiểu vấn đề đủ sâu. Để rèn luyện kỹ năng đặt câu hỏi, bạn cũng cần lưu ý tránh đặt những câu hỏi để hạ phẩm giá của đồng nghiệp, xoáy vào điểm yếu của họ và cân nhắc kỹ loại câu hỏi phù hợp đối tượng, không gian, thời gian…

Kỹ năng trình bày ý kiến cá nhân

Kỹ năng này cần sự phối hợp nhuần nhuyễn với hai kỹ năng phía trên. Nếu bạn chưa có ý kiến để trình bày, hãy lắng nghe trước. Tiếp theo, kỹ năng đặt câu hỏi sẽ giúp bạn hiểu sâu vấn đề. Lúc này, bạn tự khắc sẽ tìm thấy ý kiến riêng của mình. Để trình bày ý kiến, bạn nên đợi người nói kết thúc câu. Bạn cũng đừng quên sử dụng ngôn từ, thái độ khiêm tốn khi trình bày ý kiến của mình. Trong trường hợp ý kiến của bạn trùng với đồng nghiệp khác, bạn nên suy nghĩ kỹ, đào sâu hoặc phát triển mở rộng, triển khai thảo luận về nó. Hành động này sẽ giúp nâng cao kết quả công việc, tăng sự gắn kết và tạo thiện cảm trong mắt đồng nghiệp.

Kỹ năng ứng xử

Các tình huống giao tiếp với đồng nghiệp không chỉ xoay quanh mỗi công việc. Bạn sẽ có nhiều tình huống giao tiếp liên quan đến đời sống cá nhân. Bạn nên ứng xử một cách thông minh, khôn khéo, tế nhị và hiệu quả.

Kỹ năng ứng xử nơi làm việc nên được học hỏi và rèn luyện mỗi ngày. Sách báo và mạng internet là những nguồn thông tin vô cùng hữu dụng. Ngoài ra, bạn có thể học hỏi thêm từ những người đồng nghiệp lớn tuổi qua việc quan sát hoặc hỏi xin ý kiến từ họ. Thêm vào đó, bạn nên ghi nhớ một vài quy tắc ứng xử như giữ bình tình trước mọi tình huống, tôn trọng đồng nghiệp và sự riêng tư của họ, không nói dối. Nếu không không thể nói sự thật, bạn nên từ chối nói về chủ đề đó.

Diệu Linh