Tìm kiếm việc làm là một quá trình khó khăn và mệt mỏi, do đó có nhiều khả năng là bạn sẽ muốn nhận bất cứ thư mời làm việc nào được gửi đến. Tuy mong muốn có được việc làm càng sớm càng tốt, có một số điều bạn cần xem xét, xác minh và cân nhắc trước khi đồng ý.
Vị trí / chức danh công việc
Khi gửi thư đến người trúng tuyển, các nhà tuyển dụng không thể quên đề cập đến nội dung quan trọng đó là vị trí/ chức danh mà ứng viên đảm nhận, kèm theo trách nhiệm, nhiệm vụ chính của công việc. Ngoài ra có một tình trạng không hiếm gặp đó là một số nơi sẽ vẫn thông báo trúng tuyển cho ứng viên tuy nhiên lại chuyển sang một vị trí mà họ đang thiếu hoặc không phù hợp lắm về kiến thức hay kỹ năng của ứng viên.
Do vậy bạn nên đọc kỹ xem xét vị trí mà bạn được mời nhận việc có đúng như nguyện vọng ứng tuyển của bạn hay không. Nếu đúng như mong đợi thì xin chúc mừng bạn đã vượt qua các ứng viên khác để có việc như ý. Nếu như bạn nhận được thư mời nhận việc vị trí khác thì nên xem xét kỹ mình có phù hợp với công việc đó không, bạn có muốn làm công việc đó không. Nếu không bạn hoàn toàn có thể từ chối và tiếp tục tham khảo các trang tìm việc nhanh 24h.
Giờ giấc làm việc và địa điểm làm việc
Trong thư mời làm việc không thể thiếu 2 thông tin quan trọng là thời gian và địa điểm làm việc. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp công ty có nhiều địa điểm làm việc khác nhau như: trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng hay cơ sở sản xuất, làm việc tại đại lý đối tác, khách hàng… Do vậy trong thư xin việc cần có thông tin chính xác về nơi làm việc, giờ làm việc cụ thể nhất để ứng viên nắm rõ, không bị nhầm lẫn. Chẳng hạn: Địa điểm làm việc tại chi nhánh X, địa chỉ Z. Thời gian làm việc buổi sáng 8h – 12h trưa. Buổi chiều 1h30 – 5h30. Hoặc Bạn làm việc tại phân xưởng X ở địa chỉ Y. Thời gian làm việc theo ca từ 2h chiều- 11h đêm…
Việc tìm kiếm thông tin cụ thể thời gian và địa điểm làm việc trong thư mời giúp ứng viên nắm rõ để sắp xếp phương tiện đi lại và thay đổi lịch trình sinh hoạt sao cho phù hợp nhất với công việc mới.
Thời điểm bắt đầu làm việc
Hãy để ý mốc thời gian bắt đầu đi làm mà nhà tuyển dụng gửi đến trong thư để xem xét bạn có sắp xếp kịp công việc hiện tại hay không. Trong nhiều trường hợp, ứng viên chưa nghỉ việc cũ hoặc còn một số vấn đề cá nhân chưa giải quyết ổn thỏa. Để ý vấn đề thời gian bắt đầu công việc giúp bạn thu xếp và đàm phán lại với nhà tuyển dụng lùi thời gian nhận việc trong trường hợp bạn chưa thực sự sẵn sàng.
Một số mốc thời gian trong thư mời nhận việc là ngày tháng cụ thể. Chẳng hạn trong thư viết: Thời gian bắt đầu công việc: ngày 1.7.2021. Trong rất nhiều trường hợp, nhà tuyển dụng cũng đưa ra cho ứng viên lựa chọn chủ động hơn. Chẳng hạn: Sau khi bạn quyết định, hãy phản hồi lại cho chúng tôi khi nào bạn có thể đi làm chính thức.
Mức lương
Mức lương là thông tin quan trọng không thể bỏ qua trong thư nhận việc. Mặc dù nội dung này được trao đổi cụ thể trong cuộc phỏng vấn nhưng cả ứng viên và nhà tuyển dụng đều muốn xác nhận rõ ràng lại một lần nữa. Trong thông tin mức lương, nhà tuyển dụng thường sẽ có mức khởi điểm (thử việc), lương chính thức, kèm theo là các khoản phụ cấp; hoa hồng hoặc các chế độ khác (như thưởng vượt doanh số, tăng ca… nếu có).
Việc đưa ra thông tin mức lượng cụ thể trong thư mời nhận việc là điều mà bất cứ ứng viên nào cũng quan tâm. Trong nhiều tình huống, nó chính là “bằng chứng” cho các khúc mắc về sau nếu như bên tuyển dụng trả lương sai lệch hoặc cắt giảm các khoản hoa hồng, trợ cấp.
Bây giờ, bạn đã có tất cả thông tin cần thiết để đưa ra quyết định sáng suốt rằng chấp nhận hoặc từ chối thư mời làm việc. Có thể, sau khi giải quyết tất cả các mối quan tâm của bạn với nhà tuyển dụng hoặc nhân sự, bạn có thể cảm thấy vị trí này không hoàn toàn phù hợp. Hoặc có thể mọi thứ đã được kiểm tra nhưng bạn không thể chờ đợi để bắt đầu. Dù là điều gì, đừng ngại tin tưởng vào cảm nhận của bạn và tất nhiên là các thông tin đã được bạn thu thập cẩn thận.
Đặng Hảo