Giang mai là bệnh xuất hiện từ thời thượng cổ, lây truyền chủ yếu qua đường tình dục. Đây là một bệnh nhiễm khuẩn do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây nên.
Xoắn khuẩn giang mai (T. pallidum) có sức đề kháng rất yếu với môi trường ngoại cảnh, chúng chỉ sống được không quá vài giờ. Ở môi trường khô, chúng chết nhanh chóng, ngược lại trong môi trường ẩm ướt, chúng có thể sống được vài chục phút. Xà phòng có thể tiêu diệt được xoắn khuẩn giang mai trong vài phút.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet
Sự lây nhiễm
Bệnh giang mai lây truyền chủ yếu qua các con đường sau:
Lây qua đường tình dục (chủ yếu)
– Có quan hệ tình dục với người mắc bệnh giang mai sẽ càng làm tăng nguy cơ lây bệnh. Các phương thức quan hệ gồm giao cấu, hôn, vuốt ve tiếp xúc qua da với những dịch tiết sinh dục của người bị bệnh.
– Do da và niêm mặc của bộ phận sinh dục tương đối mỏng nên khi có quan hệ tình dục, vùng da này dễ bị tổn thương, tạo điều kiện thuận lợi cho vi trùng giang mai xâm nhập vào cơ thể.
Lây qua tiếp xúc gián tiếp
– Xoắn khuẩn giang mai có thể lây nhiễm từ người này sang người khác qua những tiếp xúc với những đồ vật của người bệnh giang mai như quần áo, chăn gối, đồ dùng cá nhân, nhà vệ sinh và khăn tắm,… mà có dịch tiết, máu, mủ của người bệnh.
– Thậm chí nếu người bệnh giang mai sống chung với người khỏe mạnh thì chỉ cần một vết thương nhỏ tiếp xúc với vật dụng của người bệnh giang mai sẽ rất dễ lây nhiễm vi khuẩn giang mai.
Lây qua đường máu
Bất kì hình thức liên quan đến việc tiêm chích, truyền máu… đều có thể làm cho mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể :
– Quá trình của bệnh giang mai tương đối dài, vi khuẩn giang mai có thể tiềm ẩn trong mạch máu của người bệnh một thời gian. Đặc biệt là ở người bệnh bị giang mai tiềm ẩn, cơ thể có vi khuẩn giang mai nhưng không có bất kỳ biểu hiện lâm sàng nào. Nếu bệnh nhân bị giang mai tiềm ẩn đi hiến máu và người nhận truyền máu của những bệnh nhân giang mai này thì họ sẽ nhiễm vi khuẩn giang mai.
– Vì xoắn khuẩn giang mai có nhều trong máu, của người bệnh nên nhân viên y tế cũng có thể bị lây nhiễm nếu như có sự tiếp xúc hoặc bị tổn thương bởi những vật dụng có dính máu của bệnh nhân nhiễm giang mai.
– Giang mai cũng có thể lây qua việc sử dụng chung bơm tim tiêm (tiêm chích ma túy)
Bệnh giang mai lây nhiễm chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn (Nguồn internet)
Lây qua nhau thai và đường sinh nở
– Nếu thai phụ bị giang mai mà không phát hiện và điều trị kịp thời hoặc điều trị không triệt để thì vi khuẩn giang mai có thể thông qua nhau thai xâm nhập vào thai nhi làm cho thai nhi nhiễm bệnh (giang mai bẩm sinh). Sự lây truyền bệnh chủ yếu xảy ra trong thời kỳ đầu mang thai.
– Khi thai nhi được sinh ra theo đường âm đạo mà người mẹ trước đó đã bị nhiễm vi khuẩn giang mai thì vi khuẩn giang mai có thể lây truyền cho thai nhi dẫn đến việc đứa trẻ bị nhiễm vi khuẩn giang mai.
Biểu hiện qua các giai đoạn của giang mai
Giang mai có 4 giai đoạn, mỗi giai đoạn lại có những biểu hiện đặc trưng.
– Giai đoạn đầu (giai đoạn săng giang mai): Ở bộ phận sinh dục hoặc trên da có tổn thương là những vết loét không đau, bề mặt không có mủ. Biểu hiện này tự hết sau 6 – 8 tuần nên khiến người bệnh tưởng là bệnh đã khỏi.
– Giai đoạn thứ hai: kéo dài khoảng 2 năm, tổn thương ở da, niêm mạc lan tỏa khắp cơ thể do xoắn khuẩn đã vào máu và phát tán. Các tổn thương thời kỳ này chủ yếu là sẩn, viêm hạch lan tỏa, phát ban, chúng cũng có thể tự mất đi mà không cần điều trị gì, sau đó tái phát với mức độ nặng hơn.
– Giai đoạn ba (giai đoạn tiềm ẩn): Thường không có triệu chứng gì, có giai đoạn tiềm ẩn sớm và muộn
– Giai đoạn thứ tư: thường bắt đầu vào năm thứ ba của bệnh, kéo dài hàng chục năm, tổn thương các cơ quan, phủ tạng (gan, tim, thần kinh, cơ, xương…). Giai đoạn này người bệnh ít có khả năng lây nhiễm cho bạn tình vì xoắn khuẩn đã xâm nhập và khu trú vào phủ tạng, không còn ở da, niêm mạc nữa. Tổn thương giai đoạn này là gôm, củ giang mai, tim mạch, thần kinh, gan.
Biến chứng
Giang mai nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì bệnh có thể gây nguy hiểm cho tính mạng người bệnh.
– Xoắn khuẩn giang mai có thể gây tổn thương tất cả các cơ quan trong cơ thể, từ da, niêm mạc, mắt đến các nội tạng như gan, tim mạch, thần kinh.
– Một số biến chứng nguy hiểm là: viêm động mạch chủ, phình động mạch chủ, bại liệt toàn thân, rối loạn tâm thần, viêm gan.
– Nếu phụ nữ mang thai bị nhiễm xoắn khuẩn giang mai mà không điều trị thì có thể khiến thai chết lư hoặc gây ra bệnh giang mai bẩm sinh cho trẻ sau khi sinh.
Hình ảnh săng giang mai (Nguồn Internet)
Điều trị
– Ngày trước khi chưa có sự ra đời của kháng sinh thì những người bị nhiễm giang mai thường tử vong khi xoắn khuẩn giang mai tấn công và phá hủy nội tạng. Tuy nhiên hiện nay thì bệnh giang mai có thể điều trị khỏi hoàn toàn bằng các loại kháng sinh đặc trị.
– Việc điều trị thì cần người bệnh tuân thủ nghiêm ngặt y lệnh của bác sĩ về thuốc uống hoặc tiêm, về liều lượng và thời gian dùng thuốc.
Phòng bệnh
– Có lối sống tình dục lành mạnh, không quan hệ tình dục với nhiều người, chung thủy một vợ, một chồng. Sử dụng bao cao su đúng cách trong những lần quan hệ tình dục.
– Phụ nữ cần điều trị khỏi bệnh trước khi mang thai. Trong thời kỳ mẹ đang bị bệnh giang mai không nên có con vì sẽ gây nên một số biến chứng cho thai nhi như sẩy thai, thai chết lưu, và một số dị tật bẩm sinh khác.
– Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng – 1 năm/ lần
Trước đây khi chưa có sự ra đời của kháng sinh thì những người bị bệnh giang mai thường nắm chắc cái chết. Tuy nhiên với sự ra đời của kháng sinh thì bệnh này đã có thể được điều trị khỏi. Bệnh gây ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của người bệnh đặc biệt là những phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh. Mặc dù bệnh lây qua quan hệ tình dục nhưng việc sử dụng bao cao sau cũng không hoàn toàn tránh được bệnh vì xoắn khuẩn có thể lây qua những tiếp xúc gần khác. Vậy nên cách phòng tránh tốt nhất là không quan hệ tình dục với người bị bệnh và không nên tiếp xúc trực tiếp da với dịch tiết máu mủ của người bị bệnh.
Theo NTD