Không hẳn tất cả những lời đồn đại trong dân gian về chuyện bầu bí đều đúng đâu các mẹ nhé!
Khi có bầu, bạn sẽ nghe được rất nhiều lời khuyên, kinh nghiệm hay chia sẻ từ bà, mẹ hay những người quen biết. Những thông tin này là rất hữu ích, tuy nhiên bạn không nên tin tưởng tuyệt đối. Có một số kinh nghiệm truyền miệng không đúng với thực tế, có thể sẽ gây mơ hồ cho bạn trong 9 tháng mang bầu.
Hãy cùng chúng tôi kiểm chứng những lời đồn đại về chuyện bầu bí nhé!
Nếu khi chửa, người mẹ xinh đẹp hơn thì sẽ sinh con gái, nếu xấu xí, nổi mụn nhiều… thì sinh con trai?
Không đúng.
Sinh con trai hay con gái phụ thuộc vào tế bào mầm của bố và mẹ. Tế bào mầm của bố là tinh trùng mang 2 loại nhiễm sắc thể giới, có tinh trùng mang nhiễm sắc thể X, có tinh trùng mang nhiễm sắc thể Y. Nếu tinh trùng mang Y kết hợp với trứng (mang X) thì sẽ sinh con trai có cặp nhiễm sắc thể giới XY. Nhiều nam giới chỉ có loại tinh trùng mang X thì luôn sinh con gái. Câu cửa miệng của những gia đình không sinh được con trai “vợ không biết đẻ con trai” là lời đổ oan cho phụ nữ, chính đàn ông mới là nguyên nhân khiến không thể có con trai hoặc vợ chỉ sinh con gái.

Giới tính thai nhi không liên quan đến nhan sắc mẹ bầu. (ảnh minh họa)
Khi có thai, thèm ăn (ăn dở), là do thiếu dinh dưỡng?
Không đúng
Thèm ăn và sợ một số thức ăn là hiện tượng thường gặp khi có thai. Không có hại gì khi cần thoả mãn sự thèm ăn trong chừng mực hợp lý. Một số phụ nữ có thai lại có nhu cầu ăn một số chất không phải là thức ăn như đất sét, gạch non… mà ta gọi là ăn dở. Ăn như vậy tất nhiên không an toàn, nguyên nhân liên quan đến các yếu tố tâm lý, văn hóa thậm chí sinh lý. Có người cho ăn dở là dấu hiệu của sự thiếu máu nhưng hình như thiếu máu là hậu quả của ăn dở chứ không phải là nguyên nhân.
Mẹ bầu ăn ốc, con bị thò lò mũi xanh?
Không đúng
Con thò lò mũi xanh là bị bệnh về đường tai mũi họng, thường là bị viêm VA (viêm sùi vòm họng), không liên quan đến chuyện mẹ ăn ốc khi mang bầu.
Không ăn nhiều khi mang thai, con to sẽ khó đẻ?
Không hẳn thế
Chế độ dinh dưỡng hợp lý và đủ chất là một yêu cầu của thời kỳ mang thai. Khuyết tật ở ống thần kinh của thai có mối liên hệ với chế độ ăn, tỷ lệ bệnh luôn cao hơn ở nhóm dân số có điều kiện kinh tế-xã hội thấp, phụ nữ không được ăn uống đầy đủ.
Đẻ khó do nhiều nguyên nhân, không chỉ vì con to vì cuộc đẻ có thuận lợi hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Tầm vóc và kích thước khung chậu của sản phụ, cơn co, độ di chuyển của đầu thai nhi…
Mẹ ăn trứng vịt lộn thì con sẽ bị ho hen vì lông vịt?
Không đúng
Trứng vịt lộn cung cấp nhiều đạm, tốt cho phụ nữ mang thai. Bệnh hen xảy ra khi phế quản bị mẫn cảm hay tăng mẫn cảm với các dị nguyên (rất nhiều, có hàng trăm, hàng nghìn dị nguyên, ví dụ phấn hoa, lông chó mèo, bụi, sôi vôi quét nhà, khói thuốc lá…).

Bà bầu nên có chế độ ăn uống cân bằng, giàu dưỡng chất. (ảnh minh họa)
Khi mang thai, giơ cao tay lên quá đầu như phơi quần áo trên dây vì có thể làm cho dây nhau quấn cổ?
Không đúng
Dây nhau kết nối nhau với thai (vùng rốn) một cách lỏng lẻo. Khoảng một phần ba số trường hợp sinh đẻ gặp sự cố dây nhau quấn quanh cổ thai nhi, do thai xoay chuyển nhiều trong tử cung trước khi đẻ. Nếu lời đồn đại là đúng thì có lẽ phụ nữ mang thai không được tập cả thể dục dù nhẹ nhàng (vì nhiều động tác đòi hỏi giơ tay lên quá đầu).
Dây nhau quấn cổ (dân gian gọi là tràng hoa quấn cổ) có khi là sự cố nghiêm trọng nhưng không phải bao giờ cũng nguy hiểm vì trong dây nhau có một lớp giống như keo (lớp gel mang tên Wharton) có vai trò che chắn, để không đè ép vào các động mạch và tĩnh mạch bên trong. Vì thế, nhiều trường hợp thai có tràng hoa quấn cổ vẫn an toàn và sinh con bình thường.
Quan hệ tình dục khi mang thai gây đau cho thai?
Không đúng
Quan hệ tình dục khi mang thai đem lại sự dễ chịu cho phần lớn các cặp vợ chồng. Không lo thai bị ảnh hưởng vì thai được bảo vệ bởi túi ối. Chỉ kiêng quan hệ tình dục khi mang thai khi có ra máu, có cơn co tử cung, ra nước (nghi ngờ vỡ túi ối) hay có tiền sử đẻ non, sẩy thai.
An Như – Theo E