Đám cưới tại quê nhà không cầu kỳ với hoa tươi, đèn nến lung linh nhưng các phụ kiện trang trí tối thiểu cũng cần có.
Khi tổ chức đám cưới, nhiều cô dâu chú rể xuất thân từ các tỉnh khác nhau sẽ phải tổ chức cưới tại quê nhà, đãi tiệc mời họ hàng, người thân ở quê hương. Đa số các gia đình không tổ chức tiệc ở các nhà hàng như thành phố mà nấu cỗ ngay tại gia đình. Ngoài ra, các công việc chuẩn bị cho ngày cưới chủ yếu cũng do người thân, bạn bè trợ giúp. Khi cưới tại nhà, cô dâu chú rể sẽ vất vả và có nhiều việc hơn, vì vậy bạn nên vạch sẵn ra những điều quan trọng cần có để tránh mắc phải thiếu sót.
1. Phông bạt
Vì không cưới ở nhà hàng mà đãi tiệc ngay tại nhà cô dâu chú rể nên việc phông bạt trong đám cưới là điều quan trọng không thể thiếu. Gia đình bạn có thể mượn những không gian đất trống gần nhà như trường học, cơ quan, sân bóng… để dựng rạp. Rạp tại nông thôn thường lớn, chứa được ít nhất từ 100 người tới vài trăm người nên cần dựng chắc chắn, vừa để che mưa nắng, vừa là nơi đặt tiệc đãi khách.
Để trang trí cho hôn lễ, cô dâu chú rể đừng quên in phông có tên và ảnh cưới cả hai để treo lên trong rạp. Đây được coi như cách ghi dấu ấn hiệu quả và khách mời sẽ chú ý hơn tới hình ảnh cưới của bạn. Khi chụp ảnh cưới, bạn nên đặt làm phông ngay tại hàng chụp ảnh để họ sử dụng những tấm hình có sẵn thiết kế nên phông phù hợp. Phông tại quê nhà thường có cách thiết kế cầu kỳ, bắt mắt, phù hợp với thị hiếu của khách mời.
2. Các phụ kiện trang trí
Đám cưới tại quê nhà không cầu kỳ với hoa tươi, đèn nến lung linh nhưng các phụ kiện trang trí tối thiểu như chữ “Hỷ” đỏ, bảng tân hôn và vu quy, cổng bóng, cổng hoa cũng không thể thiếu. Nếu muốn đơn giản, cô dâu chú rể nên chọn cổng bóng để trang trí cho ngôi nhà. Nếu muốn đặt cổng hoa, bạn cũng có thể cân nhắc chọn hoa giả vì nếu đặt ngoài trời nắng, hoa thật dễ khô héo, không đẹp.
3. Âm thanh – Ánh sáng
Khi dựng rạp, không gian thường tối nên không thể thiếu những bóng đèn chiếu sáng. Ngoài ra, khi tổ chức cưới vào mùa hè, cô dâu chú rể cũng cần chuẩn bị nhiều quạt điện, đặt trong rạp để xua tan cái nóng, làm khách mời thoải mái.
Tại nhiều đám cưới ở các tỉnh, phần văn nghệ, ca hát được xem như phần quan trọng vì vậy cô dâu chú rể cần bàn bạc cùng cha mẹ để thu xếp thuê loa, micro và chuẩn bị các đĩa hát quen thuộc để khách mời giải trí trong khi chờ tới hôn lễ chính thức.
4. Tiệc mời khách
Tiệc ở đám cưới tại các tỉnh đa số đều do người thân trong nhà tới giúp chuẩn bị. Đây thường là công việc do các vị phụ huynh toàn quyền quyết định, nhưng cô dâu chú rể cũng nên quan tâm bằng cách hỏi trước thực đơn và sự phân công nấu nướng. Bạn nên góp ý với cha mẹ chọn những món ăn thông dụng, dễ ăn để hợp với khẩu vị của các vị khách. Ngoài ra, bạn cũng nên nắm rõ được ai phụ trách phần việc gì trong tiệc để biết cách điều chỉnh và đảm bảo tiệc diễn ra suôn sẻ.
5. Xe hoa và xe đưa đón gia đình
Dù nhà trai và nhà gái ở gần hay xa nhau, thì trong phong tục cưới hỏi truyền thống của Việt Nam, nhà trai vẫn phải trang trí xe hoa, thuê xe du lịch để chở họ hàng tới nhà gái, đón cô dâu mới. Nhà trai cũng phải thuê sẵn xe để chở những vị khách của nhà gái đi đưa cô dâu về nhà chồng.
Trong đám cưới, ngoài đội bê tráp, nhà trai sẽ có từ 5 – 7 người đi cùng để tới gặp mặt gia đình. Tới lúc đón dâu, thành phần gia đình có thể tăng lên từ 10 người, thậm chí là 30 – 40 người, bao gồm cả đoàn đưa dâu của nhà gái cùng tham gia nghi lễ quan trọng này. Nhà trai cần thống nhất số lượng người đi xe để có lựa chọn hợp lý nhất. Nhà trai chuẩn bị xe cho nhà gái sẽ biểu lộ sự tôn trọng của gia đình chú rể dành cho gia đình cô dâu và thể hiện sự chu đáo.
Mộc Lan